Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thay mặt Đoàn Việt Nam trình bày Báo cáo quốc gia tại phiên đối thoại

Đối thoại, hợp tác và tôn trọng khác biệt

Vào những ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu ngày 7-5 đã tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại trụ sở của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva, Thụy Sĩ. Trình bày báo cáo quốc gia của Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã nêu bật và khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Với chủ trương coi con người là trung tâm, là mục tiêu và động lực của quá trình đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam đã vươn lên từ một nước nghèo để trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Kể từ lần rà soát UPR chu kỳ III vào năm 2019, Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người và đạt được nhiều thành tựu trên thực tế.

Các quyền y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, Internet, bình đẳng giới đều đạt những tiến bộ rõ rệt. Các chỉ số về phát triển con người (HDI), bình đẳng giới (GEI) của Việt Nam do các cơ quan Liên hợp quốc xếp hạng liên tục được cải thiện. Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19, tích cực thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số và thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền con người.

Các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, việc Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Nhiều nước hoan nghênh các thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, quyền của người dân tộc thiểu số…

Đánh giá cao những thành tựu về quyền con người của Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi nêu rõ: “Việt Nam vẫn là quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt những năm khó khăn của đại dịch Covid-19. Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước và chúng tôi đã thấy những kết quả đáng kể trong những thập kỷ qua”. Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers cho rằng: “Tuy đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng tự hào, đặc biệt trong triển khai thực hiện chính sách ưu tiên về chăm sóc và bảo vệ trẻ em”.

Tại phiên đối thoại, Việt Nam nhận được khoảng 300 khuyến nghị với nội dung đa dạng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực quyền con người. Đoàn Việt Nam cũng trả lời nhiều câu hỏi, cung cấp thêm thông tin về các vấn đề được các nước quan tâm, trong đó có nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, bao trùm, phát triển của Internet và mạng xã hội, quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền của người lao động, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo...

Đối với một số ý kiến dựa trên những nguồn tin chưa được kiểm chứng, Đoàn Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thông tin xác thực, nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt; đồng thời nêu rõ không có một mô hình chung cho tất cả các nước, mỗi nước tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có con đường phát triển riêng. Phát biểu bằng tiếng Anh trước một số chỉ trích sai lệch về vấn đề quyền con người ở Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh những lời chỉ trích mang tính xây dựng nhưng không tha thứ cho việc lan truyền thông tin sai lệch hoặc kích động có thể gây bất ổn hoặc xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Một trong những yếu tố đã giúp chúng tôi đạt được sự phát triển xã hội và kinh tế một cách ổn định là chúng tôi giữ được hòa bình và sự ổn định của đất nước. Và chúng tôi không cho phép bất cứ hành động hay sự kích động nào gây nguy hiểm cho sự ổn định đó”.

Tiên phong trong thực hiện cam kết về quyền con người

Có thể thấy, Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo UPR chu kỳ IV thêm một lần khẳng định, Việt Nam không hề né tránh mà trái lại luôn sẵn sàng lắng nghe, đối thoại thẳng thắn, cởi mở cầu thị trên cơ sở cùng tôn trọng lẫn nhau và mang tính xây dựng về vấn đề quyền con người. Trong đó, tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Việt Nam, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực thi các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người.

Từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977 tới nay, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hầu hết vào các công ước quốc tế về quyền con người. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Việt Nam được xem là một điểm sáng, tiên phong trong thực hiện cam kết về quyền con người.

Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của các công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên hoặc tham gia. Việt Nam đã trình và bảo vệ thành công tất cả các báo cáo quốc gia liên quan công ước quốc tế về quyền con người. Ngoài các tổ chức quốc tế, Việt Nam tiến hành đối thoại thẳng thắn về vấn đề quyền con người, về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo với các quốc gia như Mỹ, các quốc gia châu Âu…

Trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ của Đoàn công tác liên ngành và chức sắc tôn giáo của Việt Nam, trao đổi về thành tựu và chính sách tôn giáo hồi tháng 10-2023, phía Mỹ đã ghi nhận những thành tựu, kết quả đạt được của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua. Đại diện Tòa thánh Vatican tại Liên hợp quốc, Tổng Giám mục Gabriele Caccia cũng đã bày tỏ quan điểm ghi nhận những thành tựu về đảm bảo quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, chia sẻ về kết quả tiến triển trong quan hệ Việt Nam và Tòa thánh Vatican gần đây.

Đặc biệt, những ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền được thể hiện qua việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu ủng hộ rất cao. Đây chính là minh chứng sống động về sự công nhận vị thế của Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm quốc tế trước các đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam với các cơ chế của Liên hợp quốc, trong đó có cơ quan chuyên trách về quyền con người. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã từng đánh giá: “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới”.